Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Pocket Mirror Việt Hóa


Pocket Mirror






Pocket Mirror

POCKET MIRROR là một tựa game giải đố mang yếu tố bí ẩn xen lẫn kinh dị, được phát hành vào năm 2016 bởi đội ngũ làm game mang tên Astral Shift.

Pocket Mirror là dạng RPG thiên về giải đố, vâng, nên những gì có thể làm khó bạn trong game không phải là các pha hành động ngoạn mục hay chiến đấu hoành tráng mà là giải đố.

Bản thân các câu đố của Pocket Mirror được xếp theo mức độ tăng dần đều. Ban đầu rất dễ, ngay khi vừa nhận câu đố có thể biết ngay đáp án. Rồi độ khó tăng dần lên, bạn sẽ bắt đầu phải suy nghĩ thêm. Ban đầu chỉ cần là suy nghĩ rồi dần dần sẽ được nâng lên thành suy ngẫm, nghĩa là bạn phải thực sự nghiêm túc suy luận mới có thể trả lời chính xác được.

Giải đố trong RPG cũng có nhiều kiểu, Pocket Mirror thuộc dạng giải đố theo chùm. Nghĩa là game sẽ đưa cho bạn từng chùm câu đố, bạn giải xong cái chùm đó thì mới có thể tiến đến chùm tiếp theo. Nếu như RPG là một mê cung, thì mê cung của Pocket Mirror theo kiểu nhiều căn phòng đặt liên tiếp nhau: bạn giải mã được bí ẩn của căn phòng này thì mới có thể mở cửa và đi tiếp, rồi bạn sẽ lại tiến tới những căn phòng tiếp theo, cứ như vậy cho đến khi đến đích.

Những game có kiểu giải đố theo chùm tương tự có thể nghĩ đến ngay là Ib, The Witch’s House.

Chính vì là kiểu giải đố theo chùm, nên gameplay của Pocket Mirror khá thuận tiện cho người chơi trong từng quá trình cũng như trong cả quá trình chơi. Như đã nói ở trên, giải đố theo chùm giống như là bị nhốt vào từng căn phòng liên tiếp vậy, không quay lại hay đi tiếp được trừ phi giải mã xong. Như vậy, phạm vi để bạn thu thập manh mối đã được thu hẹp lại, và ít nhất là bạn có thể biết ngay là mục đích bạn cần làm là thoát khỏi “căn phòng” đó.

Cũng như các RPG khác, Pocket Mirror có nhiều cái kết. Cách lấy Ending của game không phải dễ nhưng cũng không khó, đó là trả lời câu hỏi, trả lời đúng thì bạn sẽ đi đúng hướng. Lượng câu hỏi để bạn lựa chọn và trả lời cũng không phải quá nhiều, và không có cái gì trên đường có thể “vô tình” làm ảnh hướng đến Ending của bạn. Nói tóm lại, không cần phải quá lo lắng về những thứ trên đường, chỉ cần biết cách lựa chọn câu trả lời thích hợp nhất mà thôi.

Cốt Truyện

Nhân vật được đặt trong một bối cảnh “khó khăn”, không biết mình là ai, tên gì, xuất thân, đang ở đâu và định làm gì. Bởi bản thân nhân vật không biết, nên người chơi cũng không biết, và thực tế là ngoài việc “tìm ra bản thân là ai”, không ai rõ mục đích của nhân vật chính trong suốt cuộc hành trình là gì. Việc cô bé gặp gỡ các nhân vật khác cũng vậy, họ có ý nghĩa như thế nào đối với thân phận thực sự của cô bé nói riêng và cuộc hành trình của cô bé nói chung, không ai có thể biết được nếu chỉ chơi có một lần.

Thực tế lặn bên dưới cái bề nổi đầy khó hiểu, cảm giác như chẳng có một mục đích gì, cảm giác như chẳng có một ý nghĩa gì, cảm giác như chẳng có lấy một mối liên kết nào ấy, lại là cả một đại dương sâu thẳm. Pocket Mirror mang một cốt truyện đòi hỏi người chơi phải nghiên cứu và suy ngẫm mới có thể cảm thấy hay và thấm được. Và chắc chắn những ai ưa thích sự đơn giản, dễ hiểu, rạch ròi đến từng chi tiết sẽ cảm thấy game này “chán”, “chán” là gì chẳng hiểu gì, “chán” là vì không hiểu được cái hay thực sự ở mặt dưới của game.

Tuy nhiên nếu biết cách suy luận, ta sẽ thấy mỗi chi tiết xuất hiện trong Pocket Mirror đều chứa đựng ẩn ý dẫn tới sự thật đứng đằng sau game. Theo cốt truyện ở bề nổi, nhân vật chính đã đi qua rất nhiều thế giới, nhiều cung điện, dinh thự tráng lệ, rạp xiếc âm u tăm tối và cả thế giới bên trong những giấc mộng, mà ta có thể liên tưởng đến một “Wonderland” thứ hai vậy. Ở khá nhiều RPG khác, có một số tình tiết, câu truyện nhỏ bên lề mà ta có thể nhặt được trên đường đi chỉ mang tính thêm vào, phụ, phục vụ cho việc giải đố, cho yếu tố gameplay, chứ không bổ sung gì cho cốt truyện cả. Pocket Mirror thì khác, mọi tình tiết của nó, từ lớn tới nhỏ, mọi chi tiết của nó đều có ý nghĩa, không có bất cứ một chi tiết nào là thừa cả.

Thực chất, cốt truyện của Pocket Mirror đã được rải rác ở khắp nơi suốt dọc đường, vấn đề là chúng ta có hiểu được thông điệp của chúng hay không thôi. Các hình ảnh ẩn dụ ở khắp nơi, bất cứ chi tiết nào cũng là một ẩn dụ cho một sự thật, thậm chí nói cả game là một sự ẩn dụ cũng chẳng sai. Mà thực chất là vậy, khi bạn đã hiểu ra cốt truyện thực sự của Pocket Mirror, bạn sẽ thấy tất cả những gì xảy ra trong game vừa có thể là sự thật, vừa có thể là hư ảo, thật mà ảo, ảo mà thật.

Và ẩn dưới tất cả sự đánh lừa tài hoa của đội ngũ tác giả, là một cốt truyện sâu thẳm và tăm tối. Và thực chất, đây thực sự là một câu truyện rất nặng nề, rất đau đớn, mà nếu bạn thực sự nhập tâm vào nhân vật, đặt mình vào tình huống xảy ra và mường tượng một cách nghiêm túc, thậm chí bạn có thể quặn đau. Hoặc giả như không đến mức đó, thì nó cũng đủ khiến để bạn lặng người đi mà suy ngẫm, nó không trôi tuột ra khỏi tâm trí bạn ngay tức khắc, mà sẽ ám ảnh bạn khôn nguôi.

Cách kể truyện và xây dựng tình huống thực sự rất tuyệt vời, không thể đoán trước được bất kì điều gì, hướng suy luận luôn bị lung lay, thậm chí có khi còn chả có đường mà suy luận. Với những game có cốt truyện, có mục đích rõ ràng, ít ra ta có thể phần nào đoán ra được cái kết, nhưng với một game mà đến cái mục đích nó còn không rõ ràng thì việc đoán ra cái kết là hoàn toàn không thể. Và thực tế là như vậy, Pocket Mirror có 4 cái kết, mà ai đi đến cũng phải ngã ngửa, não ngừng hoạt động vài giây, tự hỏi chuyện gì vừa xảy ra trên thế giới, và chốt lại là rốt cuộc mình đã làm cái gì vậy.

Cốt truyện của Pocket Mirror thực sự rất khó tiếp cận, có thể trong quá trình chơi, bạn sẽ lò mò đoán ra được một vài ngụ ý của tác giả, nhưng để hiểu được nó một cách thấu đáo thì lại là một vấn đề khác. Bạn hoàn toàn có thể đặt ra giả thiết, nhưng vấn đề là bạn giải thích thế nào cho giả thiết đó được logic, đáp ứng được hết những yêu cầu mà tác giả đưa ra. Việc đặt giả thiết cho Pocket Mirror cũng không phải đơn giản, bởi game được xây dựng cực kì chặt chẽ, như đã nói ở trên, bất kì chi tiết vụn vặt nào ở trên đường cũng có thể là ẩn ý thực sự cho bề chìm của cốt truyện. Nếu bạn thực sự muốn thách thức Pocket Mirror, đặt ra giả thiết và thử nhìn sâu vào nó, bạn phải nắm chắc đến 90% những chi tiết tưởng như không cần thiết rải rác trên đường, bởi nếu không thì không cần phải để người khác tranh luận, mà chính những chi tiết đó sẽ ngay lập tức phản bác lại giả thiết của bạn.

Đi kèm theo đó, là việc xây dựng tuyến nhân vật cũng rất xuất sắc, với mỗi người một cá tính riêng, nổi bật và độc nhất. Bạn sẽ phải thừa nhận là, dù bạn có thích nhân vật này hay không, thì nhân vật đó vẫn rất có chiều sâu, mỗi người mang một quan niệm, một tư tưởng riêng biệt và xung đột lẫn nhau. Có thể đôi khi bạn sẽ thấy vô lí, thấy tính cách nhân vật như bị “làm quá lên”, nhưng nếu bạn hiểu được cội nguồn hình thành của mỗi nhân vật, bạn sẽ thấy rằng sự tồn tại của ai cũng là một ý nghĩa lớn lao, chân thật mà không hề gượng gạo.

Mặc dù mỗi người có một cá tính nổi bật hẳn lên, nhưng tâm lí của từng nhân vật vẫn được xây dựng tương đổi phức tạp, thậm chí dường như bên trong mỗi con người cũng còn có rất nhiều con người, và trước khi từng nhân vật xung đột với nhau thì những con người ở bên trong đó vốn đã rất mâu thuẫn rồi. Bạn hoàn toàn có thể nắm được cơ bản tính cách của một nhân vật, nhưng bạn sẽ không thể đoán được chính xác trước rằng họ sẽ nghĩ gì, và bản thân thì phải ứng phó thế nào trước những tình huống đó.

Những ảnh trong game


















Download


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét